“Sáng tạo là sự nổi loạn ngoạn mục nhất trong cuộc sống. Để sáng tạo, bạn phải thoát khỏi mọi khuôn phép; bằng không, sự sáng tạo của bạn chỉ là một bản sao chép không hơn không kém. Bạn cũng chỉ có thể sáng tạo khi bạn tồn tại như một cá thể riêng biệt, độc đáo và tách rời khỏi tâm lý đám đông.”
— Osho —
Ý tưởng “rẻ” hơn tôi nghĩ
Khi còn là sinh viên, tôi từng nghĩ: Ý tưởng là yếu tố quan trọng nhất để quyết định thành công cho một start-up, một chiến dịch quảng cáo hay một sự kiện. Ý tưởng thật sự đặc biệt. Chính suy nghĩ này đã khiến tôi nhiều phen ngỡ ngàng khi nhìn những “đứa con tinh thần” của mình bị chối bỏ dễ dàng. Tuy nhiên, áp lực từ thực tế này đã giúp tôi khai phá được nhiều tiềm năng sáng tạo hơn của bản thân. Mọi việc trở nên dễ dàng chấp nhận hơn khi tôi điều chỉnh được suy nghĩ của mình về công việc.
Làm việc trong một hãng quảng cáo, nhiệm vụ của bạn khi sáng tạo là nhằm phục vụ cho mục tiêu, chiến lược của khách hàng. Tôi xin nhắc lại, bạn sáng tạo để phục vụ cho mục đích của khách hàng. Chẳng hạn khi thực hiện một đề xuất (proposal) cho một chiến dịch quảng cáo, bạn sẽ phải xem xét đến yếu tố chi phí làm giới hạn sáng tạo. Bởi đôi khi, ý tưởng của bạn vô cùng bay bổng, sáng tạo và đột phá nhưng khi xem xét nguồn lực của khách hàng thì thật không khác nào “dùng dao mổ trâu để giết gà”. Khoảng cách giữa chiến lược (strategy) và sáng tạo (creativity) là một vấn đề thường gặp. Cuốn sách “The Brand Gap” của tác giả Marty Neumeier đã đề cập rất rõ vấn đề này.
Ý tưởng của bạn sẽ phải trải qua sự xem xét, đánh giá của nhiều người ra quyết định khác nhau, có thể là Account Manager của agency, là Giám đốc Marketing của khách hàng… Do đó, việc ai đó không thích ý tưởng của bạn chỉ dựa trên cảm nhận đã đủ khiến bạn “ôm hận” kể cả khi bạn đã đưa đầy đủ các lập luận, logic để bảo vệ ý tưởng đến cùng. Vì đã là quyết định của con người thì thật khó tránh được phần nào cảm tính, đặc biệt với một lĩnh vực không có một tiêu chuẩn rõ ràng nào để đánh giá như sáng tạo quảng cáo.
Sáng tạo hơi khác so với tôi nghĩ
Trước đây, tôi luôn cho rằng cảm hứng là điều tối quan trọng với công việc sáng tạo. Để có cảm hứng, tôi cần đi chơi nhiều hơn, cần được tự do hoàn toàn về thời gian, không gian. Đây chắc chắn là một lý do không thể hợp lý hơn cho những người làm sáng tạo quảng cáo thiếu chuyên nghiệp!
Khi được tiếp xúc với những người làm sáng tạo quảng cáo chuyên nghiệp, tôi hiểu rằng: Sáng tạo là thành quả của cả một quá trình lao động say mê và nghiêm túc. Nói cách khác, “một phút cảm hứng tuôn trào” phải là kết quả của cả một quá trình lao động trước đó. Là một thành viên trong bộ phận sáng tạo của agency, trước hết bạn cần phải hiểu được khách hàng, hiểu thị trường, hiểu khách hàng mục tiêu… Những sự thấu hiểu đó đến từ việc khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu một cách cẩn thận, khoa học. Để rồi từ nền tảng đó, bạn sẽ sáng tạo để phục vụ cho chiến lược, mục tiêu của khách hàng.
Tôi cho rằng, bất kỳ một ý tưởng vĩ đại nào cũng phải đến từ một quá trình làm việc khoa học và say mê!
Người sáng tạo là người như thế nào?
Khi còn là sinh viên, tôi từng nhiều lần đặt câu hỏi này. Bây giờ, tôi cũng đã có những câu trả lời “tạm ưng ý” cho riêng mình.
Anh Huỳnh Vĩnh Sơn, copywriter nổi tiếng với cuốn sách “Ý tưởng này là của chúng mình từng nói: “Người sáng tạo là một người sinh động, sống phong phú, là một người thích khám phá, có nhiều trải nghiệm khác nhau.”. Đúc kết từ bản thân, tôi nhận ra mọi ý tưởng của tôi đều đến từ việc liên kết những “mảnh ghép trải nghiệm” mà tôi có được từ trước tới giờ.
Cuối cùng, nếu là một người thật sự nghiêm túc quan tâm đến chủ đề “sáng tạo”, tôi nghĩ rằng chúng ta nên tìm hiểu thêm về “Thiền Định”. Bạn sẽ tìm thấy thiền chứa đựng rất nhiều hiểu biết liên quan mật thiết đến sự sáng tạo của con người. Đó cũng là điều Steve Jobs đã chia sẻ trong cuốn tiểu sử của ông!
Xem thêm: